Hãy đi làm thêm từ sớm nếu bạn là sinh viên!

60.830 Lượt xem

Nếu bạn đang học 12 chuẩn bị vào Đại học, Cao đẳng? Sinh viên năm nhất? Sinh viên năm hai, năm ba? Hãy vui mừng và trân trọng bởi vì tôi đang vô cùng thèm khát được như các bạn, được quay lại từng giây từng phút một của tuổi trẻ. Nghĩa là bạn đang có rất nhiều cơ hội chuẩn bị cho tương lai của mình.

"Sau hơn 2 năm học Cao đẳng, tôi đã trải qua một số công việc làm thêm: từ nhân viên đóng gói hàng hoá, làm gia sư, bán hàng siêu thị, giới thiệu sản phẩm, đến nhân viên bán hàng thời trang, nhân viên phục vụ, làm pha chế tại quán cà phê,… Tất cả những công việc ấy dù ít hay nhiều đã mang lại cho tôi kha khá những kinh nghiệm và những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Việc làm thêm không đơn giản chỉ mang đến cho tôi tiền bạc mà hơn thế là những mối quan hệ tuyệt vời và những bài học giúp tôi thay đổi nhận thức về cuộc đời", đó là sự trải lòng của 1 bạn sinh viên tốt nghiệp tại CTIM và hiện nay đã có công việc làm ổn định sau ra trường.

Hi vọng bài viết sau sẽ mang đến cho các bạn nhiều điều thật bổ ích được đúc kết từ kinh nghiệm thực tế của sinh viên :

1. Một câu hỏi mà hầu như sinh viên nào cũng cần: "Sinh viên có nên đi làm thêm hay không"?

Câu trả lời là: Có. Sinh viên nên đi làm thêm.

Nhiều bạn có những lầm tưởng về việc làm thêm: rằng tốn thời gian, ảnh hưởng đến học tập hoặc là bố mẹ luôn chu cấp đầy đủ tiền bạc chẳng việc gì phải đi làm thêm hoặc không muốn đi làm thêm đơn giản vì…lười, chỉ muốn ở nhà và có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, đi chơi với bạn bè và làm mọi điều mình muốn.

Vậy hãy để tôi nói cho bạn nghe, một công việc part time đúng nghĩa sẽ cho bạn nhiều hơn những gì bạn nghĩ: tiền bạc, bạn bè, những kinh nghiệm, cơ hội thăng tiến… và một điều đặc biệt là những người thầy.

Những năm tháng chân ướt, chân ráo lên Sài gòn, gia đình tôi hoàn cảnh thật sự khó khăn nên tôi xác định lên TP học nhưng  phải tìm được việc làm để nuôi sống bản thân mình. Giờ nhìn lại tôi thấy mình thật may mắn khi được ở KTX của CTIM và lúc đó tôi thật sự rất bất ngờ khi chiều xuống hình ảnh sinh viên đi làm thêm quá nhiều, nhiều hơn những gì tôi tưởng tượng trước đó, và tôi được anh chị hướng dẫn vào làm nhân viên bán hàng trong trung tâm tâm thương mại sát trường vì trường có điều kiện rất thuận lợi nằm ngay khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nơi có thể được coi là trung tâm giàu có của quận 7 vì rất nhiều nhà hàng người nước ngoài và trung tâm thương mại xung quanh nên thu hút một lượng lớn sinh viên làm part time.

 
Đến khi ra trường không biết tôi đã làm được bao nhiêu công việc. Nhưng thực sự, con người của tôi đã thay đổi rất nhiều khi trải qua từng công việc. Tôi học được cách nhanh nhạy hơn trong quan sát, học hỏi và trong việc làm quen với một môi trường mới. Tôi biết được giá trị của đồng tiền mình kiếm được nó khó khăn đến nhường nào từ đó trân trọng những công lao của bố mẹ nhiều hơn. Tôi học được cách nhẫn nại, học cách nói lời xin lỗi kể cả không có lỗi, học cách cảm ơn người khác một cách chân thành. Những bài học về đối nhân xử thế, về cách sống, về tầm nhìn…mà bạn sẽ chẳng bao giờ học được ở trong trường lớp.
Sinh viên CTIM làm công việc nhân viên bán hàng trong trung tâm thương mại
 
Sinh viên CTIM bán thời trang trẻ em trong Trung tâm thương mại Crecent Mall
 
Đừng nghĩ rằng đi làm thêm có nghĩa là đang đi làm, hãy nghĩ rằng bạn đang đi học vì nó sẽ cho bạn rất nhiều kinh nghiệm trên trường đời!

2. Những sai lầm của sinh viên khi đi làm thêm:

Nếu có anh, chị hay bậc tiền bối tốt bụng nào đó chỉ dẫn trước chắc bạn sẽ không có quá nhiều bỡ ngỡ. Nhưng nếu chẳng có ai để cho mình lời khuyên thì bạn nên tham khảo và tìm hiểu trước để tránh mắc những sai lầm.

Việc nhẹ, lương cao – Làm luôn

Điều này kể cả một kẻ khôn ngoan cũng sẽ dễ bị lừa. Để tôi kể cho bạn nghe việc tôi suýt rơi vào một tổ chức đa cấp. Vào cuối năm nhất, tôi đã có một công việc làm thêm tại một cửa hàng thời trang nhưng vẫn khá rảnh. Tôi lang thang mấy group trên FB rồi tìm thấy một công việc đọc nghe rất là ngon xơi: việc nhẹ, lương cao, làm online, không ép doanh số, bla bla… Và sau đó tôi đã mất 300 nghìn cho một khoá học mà thực ra là một buổi hội nghị đa cấp với một vài tờ giấy nhạt nhẽo. Điều kỳ lạ là, chỉ duy nhất mình tôi bỏ về giữa chừng. Những bạn sinh viên còn lại rất hứng thú và có vẻ sẽ lại tiếp tục bỏ tiền ra để trở thành trò tiêu khiển của các đơn vị lừa đảo. Thậm chí có cả các bạn sinh viên đến từ những trường đại học top đầu như: ĐH Kinh tế, KHTN…Thế mới nói thủ đoạn của những kẻ lừa đảo các bạn sinh viên nhẹ dạ, cả tin ngày càng một điêu luyện hơn.

Đi làm thêm chỉ để cho vui

Suy nghĩ của bạn về công việc mình đang làm sẽ quyết định thái độ làm việc của bạn. Và chắc chắn chẳng một ai muốn có bạn trong đội ngũ nhân viên nếu bạn chỉ xem việc làm thêm như một cuộc vui để kiếm vài đồng tiền tiêu vặt. Hãy nghiêm túc và xem nó như một nhiệm vụ rất quan trọng. Hãy có trách nhiệm với công việc mình đang làm.

Tôi sẽ bỏ việc ngay khi tôi thấy chán

Công việc nào cũng có những khó khăn. Môi trường nào cũng cần thời gian để thích ứng. Hãy đảm bảo rằng bạn có thể gắn bó ở đó ít nhất là 2 tháng với sự cố gắng hết sức của mình. Nếu vẫn không thấy phù hợp, hãy tìm công việc khác.

Tôi ngại đổi sang công việc khác mặc dù công việc hiện tại không phù hợp

Sau khi đi làm bạn cảm thấy không hề thích công việc hiện tại, nhưng ngại phải tìm kiếm công việc mới, ngại thay đổi, ngại đi phỏng vấn, đủ mọi loại ngại thì bạn nên thay đổi suy nghĩ ngay. Nếu không có sự yêu thích với công việc đang làm thì bạn sẽ chẳng thể phát triển hết khả năng mình có.

Tôi đi làm thôi- chẳng cần học

Bạn vẫn nên cân bằng thời gian học tập và làm thêm. Việc sắp xếp một thời gian biểu hợp lý hoàn toàn có thể giúp bạn. Bạn phải xác định đi làm để có thêm kinh nghiệm và kiến thức hỗ trợ cho việc học và việc làm của bạn sau này.

Tôi cũng là một kẻ ham làm, những khoảng thời gian năm 2 năm và thỉnh thoảng có bỏ học để đi làm (nhưng thỉnh thoảng do kẹt lịch thôi nhé). Nhưng tôi đã bù lại ngay bằng những hôm ôn thi miệt mài. Bạn không cần học nhiều, nhưng cần có một chiến lược học tập thông minh, học đúng và học đủ, không học lan man thừa thãi. Nhờ áp dụng điều đó mà một đứa tưởng chừng như chẳng học hành gì chỉ lo đi làm như tôi, nhưng chưa từng bị thi lại đấy nhé.

3. Những điều cần lưu ý trước khi bắt đầu đi làm thêm

Từ những sai lầm mà bất cứ sinh viên nào cũng có thể mắc phải, hãy lưu ý những điều sau:

Lựa chọn công việc phù hợp với:

Khả năng và sở thích

“Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng” quả không sai. Biết mình thích gì và liệu khả năng mình đáp ứng được đến đâu sẽ là một cách thức giúp bạn nhanh nhất tìm được công việc phù hợp. Nếu bạn hát không hay thì bạn không thể nào đi làm ca sỹ ở phòng trà được. Hoặc nếu bạn vụng về thì cũng không thể chọn công việc thiên về tỉ mỉ, khéo léo được. Nếu không biết mình thích làm gì hãy thử làm nhiều loại công việc khác nhau rồi sau đó gắn bó với công việc mình cảm thấy phù hợp nhất.

Phương tiện đi lại, giờ giấc

Phương tiện đi lại cũng là một vấn đề quan trọng. Bạn nên lựa chọn vị trí công việc phù hợp. (Từ KTX CTIM bạn có thể đi bộ qua các nhà hàng bên Phú Mỹ Hưng hoặc đi bộ đến Trung tâm Crecent Mall nơi mà thường xuyên tuyển sinh viên partime) Nếu chỉ có xe đạp hoặc không có xe, hãy chọn một nơi làm việc gần nhà gần trường bạn học. Nếu có xe máy thì chọn nơi nào không xa quá, đỡ tốn tiền xăng… Đồng thời nếu ở trọ, hãy lưu tâm đến giờ giấc đi lại.

Tìm hiểu trước môi trường làm việc

Nếu có thể hãy tìm hiểu thật kỹ nơi mình sắp apply vào. Có cơ hội thì hỏi những người đã từng làm ở đó, tại sao họ lại nghỉ việc ở đó…để đo xem mức độ phù hợp của công việc đó với bản thân.

Chọn đúng kênh thông tin uy tín để tìm việc làm thêm

Không nên vào những page, group linh tinh trên FB để tìm việc làm. Để tránh bị lừa đảo, hãy tìm những cơ hội việc làm tốt từ một số những trang uy tín, hoặc được nhà trường hỗ trợ việc làm càng tốt.

4. Kỹ năng cần trau dồi từ việc làm thêm

Bạn hãy xem việc đi làm như một cơ hội học tập. Trong quá trình làm việc, một số kỹ năng mà bạn cần chú ý để trau dồi càng sớm càng tốt. Sau này bản sẽ phải cảm ơn bản thân mình rất nhiều về việc này.

Kỹ năng giao tiếp

Một kỹ năng vô cùng quan trọng. Giao tiếp tốt không chỉ giúp bạn được đồng nghiệp hay cấp trên yêu quý mà điều đó còn mang lại cho bạn sự thuận lợi hơn rất nhiều trong công việc. Xin chào, xin lỗi và cảm ơn là những câu nói đầu tiên phải học. Biết im lặng đúng lúc và kiềm chế cảm xúc cá nhân. Biết nói sao cho người nghe và chính mình được thoải mái. Kỹ năng giao tiếp sẽ được rèn luyện tốt khi bạn làm những công việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng như: phục vụ, bán hàng…

Ngoại ngữ

Với tình hình hiện nay, nếu muốn có nhiều cơ hội hơn, chắc chắn bạn phải có ngoại ngữ. Kỹ năng ngoại ngữ sẽ được phát huy tốt trong môi trường sử dụng nhiều giao tiếp bằng ngoại ngữ, ví dụ như: làm trợ giảng tại các trung tâm ngoại ngữ, gia sư ngoại ngữ, làm phục vụ hay bán hàng tại những nơi có lượng khách hàng ngoại quốc đông đảo sẽ giúp bạn nâng cao level ngoại ngữ của mình (CTIM nằm ngay trung tâm có rất nhiều người nước ngoài: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc là cơ hội giao tiếp ngoại ngữ cực kỳ tốt cho sinh viên).

Kỹ năng quản lý bản thân

Khi bạn làm trong bất cứ môi trường nào, hãy đảm bảo rằng bạn có thể quản lý chính mình thật tốt, không bị ảnh hưởng bởi những người đồng nghiệp khác.

Ví dụ như tôi có làm việc ở một cửa hàng thời trang và nhân viên ở đấy thường xuyên xin đến muộn vì nhiều lý do vu vơ, xin nghỉ làm với lí do cá nhân không thực sự bức thiết mặc dù đang trong lúc thiếu nhân viên trầm trọng. Nếu ai cũng như thế, cửa hàng sẽ ra sao? Bởi đôi khi quản lý lại dễ dàng với nhân viên quá mà không phải lúc nào cũng có những người đồng nghiệp có ý thức. Tôi biết một bộ phận các bạn trẻ đều như vậy, vẫn khá mải chơi và chưa thực sự nghĩ cho cái chung. Hành động của bạn sẽ không chỉ khiến 1 hay 2 người khác bị ảnh hưởng. Và với thái độ làm việc như thế thì kể cả bạn có làm ở bất cứ công việc nào cũng sẽ dễ bị đào thải và không thể có cơ hội thăng tiến. Vì vậy việc quản lý bản thân rất quan trọng. Hãy áp dụng một số những điều cơ bản sau:

-Đi làm đúng giờ ( thậm chí là trước giờ làm 5-10 phút).

-Không về sớm hơn giờ quy định ( có thể nán lại 5-10 phút)

-Trong công việc luôn nghiêm túc, sẵn sáng giúp đỡ người khác, sẵn sàng làm những công việc không phải của mình.

-Phải có việc gì quan trọng lắm mới xin nghỉ và sẵn sàng tăng ca nếu cần thiết.

Kỹ năng quan sát, ứng biến nhanh nhaỵ

Trong công việc sẽ có nhiều trường hợp rủi ro xảy ra, đòi hỏi bạn phải là một người nhanh nhẹn và có tầm nhìn thì mới giải quyết nhanh chóng được mà không cần phải nhờ cậy đến người khác. Cũng có những lúc với một khả năng quan sát tốt bạn sẽ dễ dàng ghi điểm cộng với cấp trên.

Ví dụ: ngày trước khi tôi còn làm phục vụ ở một quán cà phê, đã có kha khá những trường hợp dở khóc dở cười xảy ra. Khách order nhầm đồ uống ( có thể vì nhiều lí do vớ vẩn như là đọc một tên nhưng chỉ cho người order một loại đồ uống khác), dẫn đến phục vụ nhầm, thường sẽ phải làm lại một cốc mới hoàn toàn và nhân viên phải chịu trách nhiệm về cốc nước ấy. Lúc đó thì tôi mới chạy đi lấy ngay một cái voucher giảm giá của quán đưa lên và nói chuyện với chị khách hàng ấy. Đầu tiên tôi xin lỗi vì bên phía của hàng đã order nhầm loại đồ uống chị muốn gọi, đồng thời giới thiệu luôn đồ uống chị đang dùng là loại đồ uống hấp dẫn như thế nào, và thuyết phục chị dùng thử một lần, cộng thêm tặng chị khách voucher giảm giá cho bất kỳ hoá đơn nào cho lần tới. Lúc đó chị khách vô cùng vui vẻ đồng ý thưởng thức cốc nước ấy không một chút bực tức hay khó chịu nào cả. Và thế là sau đó, trong một lần phát voucher cho nhân viên, anh quản lý đã gọi riêng tôi ra và cho gấp đôi số lượng voucher mà nhân viên được phát.

Vậy đó, bạn khác người ta ở chỗ nào, hãy chứng minh điều đó và luôn trau dồi bản thân mình mỗi ngày. Những công việc part time sẽ cho phép bạn có cơ hội cọ xát nhiều hơn với cuộc sống đời thường cùng vô vàn kiểu người khác nhau. Biết mình đang ở đâu và luôn cố gắng hết mình để hoàn thiện bản thân.

5. Cơ hội để biến một công việc part time trở thành một công việc ổn định lâu dài

Nếu bạn nghĩ một công việc part time chỉ làm cho vui và kiếm tiền đi chơi trong ngày một ngày hai thì quả thực là một sai lầm. Bạn đi làm và bạn làm tốt công việc hơn mức được giao thì bạn hoàn toàn có thể được thăng tiến lên một vị trí tốt hơn mà chẳng cần phải đi tìm bất cứ một công việc nào khác. Hoặc khi làm thêm bạn sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để tự mở cho mình một cơ sở kinh doanh hay thậm chí là một doanh nghiệp. Tôi có một người bạn hiện là sinh viên năm cuối nhưng đã làm quản lý của một cửa hàng. Mặc dù bạn ấy cũng không hẳn quá là tài năng hay giỏi giang nhưng bạn ấy đã gắn bó tại cửa hàng ấy suốt 3,4 năm trời và cấp trên thấy những nỗ lực từ bạn. Cũng nhờ một vài công việc part time mà tôi đã nhận được kha khá lời mời cộng tác đồng thời tôi cũng có những kế hoạch nho nhỏ cho riêng mình trong tương lai.

Cơ hội thực sự luôn có, chỉ là liệu bạn có mở những cánh của ấy không mà thôi. Bây giờ, sau khi đọc xong bài viết này, bạn hãy thay đổi cách nhìn về một công việc làm thêm. Đồng thời chính bạn hãy lập một kế hoạch cho riêng mình để chinh phục bản thân trong những năm tới. Tất cả mọi thứ đều được quyết định bởi năng lực và sự cố gắng không ngừng của chính bạn. Đừng bận tâm khi bây giờ bạn chẳng có gì, cứ cố gắng hết mình dù chỉ là trong một công việc part time bình thường với mức lương ít ỏi. Sớm hay muộn, cơ hội sẽ đến!

 

Ở cao đẳng CTIM Phòng Công tác sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp là nơi sẽ giúp bạn có được việc làm thêm cũng như việc làm sau khi tốt nghiệp, nên bạn hãy yên tâm tìm hiểu để nhận cho mình 1 công việc làm thêm phù hợp để có được những trải nghiệm thực tế và những lợi ích cho việc làm tương lai của mình nhé.

 

 

TTTS
Gọi 0977 65 66 69