Học phí đại học tăng mạnh!

6.062 Lượt xem

Thời điểm này, sinh viên trúng tuyển theo phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét điểm học bạ THPT, thi đánh giá năng lực đang làm thủ tục nhập học và đóng học phí. 

Các trường công lập đưa ra nhiều mức học phí, trong đó học phí chương trình đại trà tăng kịch trần theo khung của Nghị định 86 của Chính phủ; chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế… cao gấp 2 - 3 lần chương trình đại trà. Trong khi đó, một số trường đại học lại bất ngờ tăng học phí khiến sinh viên ngỡ ngàng. 

 
Trường công tăng kịch trần
 
Năm học 2020-2021, học phí của các trường công lập chưa tự chủ tăng kịch trần theo Nghị định 86 của Chính phủ. Theo đó, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học (ĐH) tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư, áp dụng theo khối ngành, chuyên ngành đào tạo năm học 2020 - 2021 lần lượt: Khối ngành Khoa học xã hội, Kinh tế, Luật, Nông - Lâm, Thủy sản là 9,8 triệu đồng/năm; Khối ngành Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, Công nghệ, Thể dục thể thao, Nghệ thuật, Khách sạn, Du lịch 11,7 triệu đồng/năm, Khối ngành Y Dược 14,3 triệu đồng/năm. Mức tăng từ 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/năm so với năm học trước. Đối với đào tạo sau ĐH, học phí cũng tăng theo: trình độ thạc sĩ tăng gấp 1,5 lần so với ĐH  và trình độ tiến sĩ tăng 2,5 lần so với trình độ ĐH.
 
 
Sinh viên trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành 
 
Trong khi đó, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập tự chủ (chi thường xuyên và chi đầu tư) áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo năm học 2020-2021 (kể cả các cơ sở giáo dục ĐH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động) lần lượt là: 2,05 triệu đồng/tháng (20,5 triệu đồng/năm), 2,4 triệu đồng/tháng (24 triệu đồng/năm), 5,05 triệu đồng/tháng (50,5 triệu đồng/năm). Mức tăng 2 - 4,5 triệu đồng/năm so với năm học 2019-2020.
 
 
Tân sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM nhập học 
và đóng học phí cao hơn 7% so với sinh viên năm 2019  
 
Đối với sinh viên trúng tuyển năm nay vào Trường ĐH Y Dược TPHCM sẽ đóng mức học phí từ 30 - 68 triệu đồng/năm (cao hơn gấp 2 - 5 lần so với năm học trước) theo đề án tự chủ của trường được công bố từ ngày 1-1-2020. Đại diện nhà trường cho biết, học phí với sinh viên khóa trước sẽ không tăng theo học phí khóa mới mà chỉ điều chỉnh theo khung của Nghị định 86. Ví dụ ngành Y khoa học phí năm 2019 là 13 triệu đồng thì năm nay sẽ tăng lên 14,3 triệu đồng. 
 
Đối với 23 trường thí điểm tự chủ từ năm 2015 đến nay, dù đã hết thời hạn thí điểm tự chủ nhưng vẫn thực hiện đúng như đề án và quyết định cho thí điểm tự chủ của Thủ tướng đó là: tăng học phí có lộ trình, mỗi năm tăng không quá 10%. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM quy định học phí năm học mới là 630.000 đồng/tín chỉ lý thuyết (năm 2019 là 565.000 đồng/tín chỉ) và 810.000 đồng/chí chỉ thực hành (năm 2019 là 735.000 đồng/tín chỉ). Trường ĐH Mở TPHCM học phí năm học này ở mức 17 - 22 triệu đồng/năm. Các ngành chương trình chất lượng cao 34,5 - 37,5 triệu đồng/năm. 
 
Riêng đối với sinh viên ngành sư phạm, chính sách vẫn được duy trì miễn học phí, đồng thời được cấp kèm theo sinh hoạt phí tối đa 3,5 triệu đồng/tháng.
 
Học phí trường tư nhảy múa  
 
Nhiều tân sinh viên trúng tuyển vào Trường ĐH Văn Lang khi đã đóng tiền tạm ứng để xác nhận nhập học, cấp mã số sinh viên nhưng sau đó tá hỏa khi nhận thông tin trường tăng học phí. Ví dụ ngành Kiến trúc, tân sinh viên làm thủ tục nhập học được yêu cầu đóng hơn 27 triệu đồng/học kỳ 1 (học phí hơn 26 triệu đồng, tương ứng 19 tín chỉ - 1.370.000 đồng/tín chỉ). Mức này cao hơn nhiều so với năm 2019 (chỉ từ 16 - 22 triệu đồng/học kỳ). Tương tự, ngành Thanh nhạc, tân sinh viên cũng bất ngờ khi học phí lên đến 1.430.000 đồng/tín chỉ. Với 17 tín chỉ học kỳ 1, sinh viên học Thanh nhạc phải đóng hơn 24,3 triệu đồng. Trong đề án tuyển sinh trước đây, Trường ĐH Văn Lang không hề công bố việc tăng học phí của khóa mới trong năm học 2020-2021! Báo cáo giải trình với Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), ban giám hiệu nhà trường đưa giải pháp điều chỉnh số tín chỉ đào tạo học kỳ 1, đảm bảo học phí học kỳ 1 các ngành thuộc chương trình đào tạo đại trà dao động 16 - 20 triệu đồng (trừ nhóm ngành sức khỏe và chương trình hai văn bằng Pháp - Việt). 
 
Ghi nhận cho thấy, nhiều trường tư có mức học phí lên đến cả trăm triệu đồng lại không công khai và cam kết rõ ràng, năm sau cao hơn năm trước 10%-20% khiến sinh viên phản ứng. Trong khi đó, cũng là ĐH tư nhưng nhiều trường thông báo tăng học phí rất rõ ràng, thậm chí nhiều trường cam kết không tăng trong suốt khóa học. PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết: Trường chỉ tăng học phí của sinh viên khóa mới (cam kết không tăng suốt khóa) và công khai trong đề án tuyển sinh. Trong khi đó, học phí sinh viên khóa cũ không tăng. Trường kèm theo chính sách hỗ trợ cho vay vốn học tập suốt 4 năm và thời hạn hoàn trả là trong 10 năm. 
 
Tại Đà Nẵng, TS Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Á, cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kinh tế và thu nhập của gia đình thí sinh rất khó khăn. Việc tăng học phí trong năm học mới là khó khả thi và quá nhạy cảm, do đó trường đã cam kết không tăng học phí trong năm học mới.
Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT cũng như công văn mới nhất của Bộ GD-ĐT, ngoài việc phải công bố công khai, minh bạch tất cả thông tin trong tuyển sinh, các quy định mới có ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị đăng ký xét tuyển của thí sinh, trường cần sớm công bố và có lộ trình triển khai thực hiện phù hợp.
nguồn: https://www.sggp.org.vn/hoc-phi-dai-hoc-tang-manh-685046.html
Administrator
Gọi 0977 65 66 69